“Cơn lốc đá lạ” đã làm cho các thôn xóm, bản làng vùng biên tỉnh Kon Tum đảo lộn. Đâu đâu người dân cũng rôm rả, bàn tán việc mua bán đá.
Khoảng 3 tháng nay, tại các huyện Ngọc Hồi, Đắk Glei (tỉnh Kon Tum), đặc biệt là tại cửa khẩu Bờ Y giáp với Lào, Campuchia, người dân thi nhau vượt hàng trăm km sang Lào để mua loại đá màu đỏ, mềm, khi viết ra như phấn, soi đèn vào trong ánh sáng có thể xuyên qua được, để bán cho thương lái Trung Quốc.
Theo thương lái V ở (thị trấn Pleikần, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum), do trong nước không có loại đá này, các thương lái người Việt phải qua Lào đặt mua với giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/kg, tùy thuộc vào màu sắc, độ trong. Sau khi gom được hàng, các thương lái thuê xe chở qua cửa khẩu Bờ Y về Việt Nam rồi bán cho người Trung Quốc.
Các loại đá lạ được thương lái người Việt thu mua để bán sang Trung Quốc . |
Không những tại huyện biên giới Ngọc Hồi, tại xã biên giới Đắk Blô, huyện Đắk Glei thương lái Trung Quốc tìm đến tận nơi đặt hàng người Việt thu mua đá theo mẫu.
“Cơn lốc đá lạ” đã làm cho các thôn xóm, bản làng vùng biên tỉnh Kon Tum đảo lộn. Đâu đâu người dân cũng rôm rả, bàn tán việc mua bán đá lạ. Tuy nhiên, khi được hỏi thương lái Trung Quốc thu mua loại đá này để làm gì thì ai cũng lắc đầu. Một số thương lái người Việt bảo, hình như là để làm đá phong thủy hay trang trí gì đó.
Việc thu mua đá lạ của thương lái Trung Quốc đang “thuận buồm xuôi gió” thì gần 1 tuần, bỗng dưng họ ngưng thu mua các lọại đá mềm lớn mà chỉ mua loại dạng sỏi, có đặc điểm nhận dạng là đá sống, tức là phải trong, khi soi pin vào ánh sáng xuyên qua rõ ràng, bên trong không có vết nứt, vẩn đục với giá cao gấp nhiều lần. Có một số viên “chất lượng” giá có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Ôm trong tay gần 1 tạ đá lớn, anh V. đang thấp thỏm lo lắng khi những viên đá anh thu gom về hết cả mấy chục triệu đồng nhưng giờ không ai thèm hỏi mua. Anh V. chia sẻ: “Giờ chỉ mong có người hỏi mua, tôi sẽ bán hết để vớt vát lại mấy đồng vốn và tiền đi mượn, chứ chẳng mong đổi đời từ mấy hòn đá lạ này”.
Thực tế, khi giá được đẩy lên cao vút, phía thương lái Trung Quốc cũng ngưng mua thì nhiều thương lái Việt như ngồi trên đống lửa, vì bao nhiêu tiền của đều đổ vào những cục đá lạ, thậm chí có người mượn cả tỷ đồng sang tận Lào thu mua đá.
Có lẽ bi đát nhất là chị N.T.T (ở tổ dân phố 6, thị trấn Pkei Kần, huyện Ngọc Hồi). Do chị có quen biết với một số người bên Lào, nên khi thấy thương lái Trung Quốc đến hỏi mua loại đá trên, chị T nghĩ thời cơ làm ăn đã đến, nên chạy vạy đi vay tiền nóng với lãi suất cao khắp nơi, được gần 1 tỷ đồng để đưa sang Lào thu gom đá lạ. Thế nhưng khi đang trên đường vận chuyển về Việt Nam thì bị lực lượng chức năng Lào bắt giữ. “Mất cả chì lẫn chài” không có tiền trợ nợ nên giờ chị T đã bỏ trốn, để chạy nợ.
Trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hảo, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, ông Hảo xác nhận có tình trạng thương lái người Việt vận chuyển đá qua cửa khẩu. Tuy nhiên, việc kiểm soát các lô hàng đã được đơn vị phối hợp với Hải Quan, Biên Phòng…làm chặt chẽ.
Ông Nguyễn Tài Thu, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi khẳng định, chính quyền địa phương đã cảnh báo người dân việc thương lái Trung Quốc trước đây tổ chức thu mua đỉa ở cá tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, lá điều ở Bình Phước, rễ tiêu ở Gia Lai, móng trâu ở các tỉnh phía Bắc… với giá cao rồi sau đó “lặn mất”, để cho thương lái Việt ngồi ôm nợ là những bài học đắt giá đã từng xảy ra.
Theo Nguyễn Tuấn Kiệt/Công Thương
Viết bình luận